Thứ Hai, 15 Tháng Tư 2024
Phật họcBạn biết gì về thiếu Thất Phú của Tiểu Sĩ Bạch Liên?(phần...

Bạn biết gì về thiếu Thất Phú của Tiểu Sĩ Bạch Liên?(phần cuối)

  𡌿溪箕綠竹沒堆行,𡃑𪷄摺彈摳柏日.
“Ghềnh khe kia lục trúc một đôi hàng, thánh thót rập rờn khua phách nhặt.”

Bên dòng suối mát, có trúc xanh (lục trúc) vài hàng, nhẹ nhàng theo gió đong đưa, tạo thành âm điệu lên xuống, đem lại cho người xung quanh cảm giác dễ chịu, tiếng trúc reo trong gió rất dày dặt (nhặt) có nước chảy liên tục, làm ta liên tưởng ngay đến tiếng đàn tranh.

Ý này trong tác phẩm “Vịnh Vân Yên Tự Phú” của Tam tổ Huyền Quang cũng nói đến: “Hồ sen trương tán lục, suối trúc bấm đàn tranh” nghĩa là: chỗ Thiền sư Huyền Quang cũng có hồ sen, những tán lá sen xanh vươn lên, có cả suối và vườn trúc, khi gió đong đưa tạo thành một âm điệu du dương như có người đang khảy đàn tranh.

核丹掑頭𤂬𧹦濫, 梗柳𢷀邊牆𣛟屹.
“Cây đơn kề đầu suối đỏ lòm, cành liễu rủ bên tường xanh ngắt.”

Cây hoa mẫu đơn kề bên bờ suối, nhị hoa đỏ tươi, có cành liễu tươi rủ bên tường nhà xanh ngắt.

湖蓮白花開𤾓朶,𩵜鐄𤀖底渃吝觥.
“Hồ sen bạch hoa khai trăm đóa, cá vàng ngoi đáy nước lượn quanh.”

Ở gần cái thất của ông có hồ sen, nhưng hồ sen này toàn hoa màu trắng, nở cả trăm bông, phía dưới ao sen có cá ngoi lên bơi lội lượn quanh dậy sóng (vui nhộn).

岸海棠橤𫉅𠦳薹,鵠碧杜頭梗唿勿.
“Ngạn Hải Đường nhụy nở ngàn đài, Cốc biếc đỗ đầu cành hót vặt.”

Bờ hoa Hải Đường nở tung nhụy đến ngàn bông, con chim Cốc màu xanh, đậu ở đầu cành cây vẫn hót líu lo, không theo nguyên tắc nào cả (hót vặt). Nguyên đoạn phú năm câu này:

孱𡶀怒老松𠄼𦉱檜,層千迢逸𢴖彈寬.
𡌿溪箕綠竹沒堆行,𡃑𪷄摺彈摳柏日.
核丹掑頭𤂬𧹦濫,梗柳𢷀邊牆𣛟屹.
湖蓮白花開𤾓朶,𩵜鐄𤀖底渃吝觥.
岸海棠橤𫉅𠦳薹,鵠碧杜頭梗唿勿.
“Sàn núi nọ lão tùng năm bảy cội, từng cơn dìu dặt khảy đàn khoan.
Ghềnh khe lục trúc một đôi hàng, thánh thót rập rờn khua phách nhặt.
Cây đơn kề đầu suối đỏ lòm, cành liễu rủ bên tường xanh ngắt.
Hồ sen bạch hoa khai trăm đóa, cá vàng ngoi đáy nước lượn quanh.
Ngạn hải đường nhụy nở ngàn đài, Cốc biếc đỗ đầu cành hót vặt.”

Đoạn này miêu tả lại khung cảnh tự nhiên, xung quanh cái thất của tiểu sĩ Bạch Liên càng nhìn càng thấy đẹp, nên ông ưng mắt, bằng lòng với những gì mình đang có mà tu tập rất an nhàn.

准擬宜床椥種竹,荒忙𠰚幔𦃮真祇.
“Chốn nghỉ ngơi giường tre chõng trúc, hoang mang nhỉ màn gai chăn giấy.”

Chốn nghỉ ngơi là sàng tre chõng trúc, hoang mang nhỉ, trước sự tạm bợ mong của màng gai chăn giấy, của những vật hữu hình ắt hữu hoại.
* Chữ “hoang mang” chỉ trạng thái không yên lòng.
*Chữ “nhỉ” là từ đặt sau một câu nói nhằm mục đích khẳng định. Ví dụ: vui nhỉ!

襖僧伽糞掃𨤼欣斤,圖𤍇咹㘨坦鐣𡬼.
“Áo tăng già phấn tảo nặng hơn cân, đồ nấu ăn nồi đất xanh gang.”

Áo của ông mặc, được may bằng vải ở bãi tha ma, tức là vải thô xấu nên rất nhẹ. Còn thức ăn được nấu trong nồi gang.

仔細𣋀𤋹苾𢶻𣒣,缽多羅鉄皮帶氽㩫.
“Tử tế sao kho bí bung măng; bát đa la thiết bì đai mấy dắt.”

“Tử tế” nghĩa là: tiết kiệm như thế này sao, nấu (kho) măng cho thật nhừ (để nở ra nhiều).
“Bát đa la thiết bì”: cái bát đai bằng sắt. “đai”: miếng sắt bao vòng quanh miệng cái bát.
Nguyên câu phú này ý nói: Tiết kiệm như thế này, nấu măng cho thật nhừ để nó nở ra nhiều, ăn được lâu. Cái bát đai bằng sắt, bao quanh.

論𣈗沒𩛷𩚵齋,奇躺堆旬茶蜜.
“Trọn ngày một bữa cơm chay, cả tháng đôi tuần chè mật.”

Nghĩa là cả ngày được một bữa ăn chay, còn cả tháng có vài ngày ăn chè mật (mật ở đây giống như đường, nấu chè thay gì nêm đường, nhưng ở đây dùng mật).
Qua đoạn phú bốn câu:

准擬宜床椥種竹,荒忙𠰚幔𦃮真祇.
襖僧伽糞掃𨤼欣斤,圖𤍇咹㘨坦鐣𡬼.
仔細𣋀𤋹苾𢶻𣒣,缽多羅鉄皮帶氽㩫.
論𣈗沒𩛷𩚵齋,奇躺堆旬茶蜜.
“Chốn nghỉ ngơi giường tre chõng trúc, hoang mang nhỉ màn gai chăn giấy.
Áo tăng già phấn tảo nặng hơn cân, đồ nấu ăn nồi đất xanh gang.
Tử tế sao kho bí bung măng, bát đa la thiết bì đai mấy dắt.
Trọn ngày một bữa cơm chay, cả tháng đôi tuần chè mật.”

Cho chúng ta thấy nếp sống sinh hoạt của ông là một vị tu theo khổ hạnh. Vì sao? Mặc áo phấn tảo, ăn ngày một bữa, tiết kiệm trong ăn uống…

𡎢盎𦹵沒𨉟𥈰沫,拪風烹𦑗蘿單𧷺.
𠫾㙴茄百步消𩚵,蹎𨀎趿𩍣 𥷺棟秩.
“Ngồi đám cỏ một mình hóng mát, tay phong phanh quạt lá đan tròn;
Đi thềm nhà bách bộ tiêu cơm, chân lập cập dép mo đóng chặt.”

Khi ăn cơm xong, tiểu sĩ ngồi một mình ở đám cỏ hóng mát. “Tay phong phanh”: Tay áo vén lên trống trải không kín đáo (do nóng quá, lấy cái quạt đan bằng lá hình tròn quạt cho mát) đây là hình ảnh một người cổ xưa, tiếp theo tiểu sĩ đi bách bộ trên thềm nhà để tiêu cơm (chúng ta có thể hiểu là lối đi thiền hành của những người tu sĩ, nhưng do mắt yếu, chân run (chân lập cập) nên ông mang dép mo phải gài chặt, sợ rớt ra vì ông đã già rồi.)
Qua hai câu phú trên, chúng ta thấy nếp sống của tiểu sĩ Bạch Liên, tuy chỉ là cư sĩ tu tập, nhưng ông hết sức giản dị, an bần mà giữ đạo.

𥪝外𡦂役翁老𫅷巖,𣌉最直侯小童𡮣一.
“Trong ngoài giữ việc ông lão già nhom, khuya tối trực hầu tiểu đồng bé nhắt.”

Nghĩa là: trong ngoài có một ông lão già gầy guộc (người giúp việc) trông coi thất cho tiểu sĩ Bạch Liên, khuya tối có tiểu đồng trực làm thị giả cho ông, chú là người nhỏ nhất.

居處𥙩慈悲扔墨,學隊古德夏𠃩旬结足誦經.
“Cư xử lấy từ bi nẩy mực, học đòi cổ đức hạ chín tuần kết túc tụng Kinh.”

Nghĩa là: ông đối với mọi người lấy từ bi làm chuẩn mực, học theo người xưa (chư Tăng Ni) nên cũng ở yên, kiết hạ tu hành.

行藏躭喜捨撩𠻁; 扒斫髙僧秋𠀧𣎃頭陀行乞.
“Hành tàng đem hỷ xả nêu gương, bắt chước cao tăng thu ba tháng đầu đà hành khất.”

Nghĩa là: Hành trạng, cách sống của Ngài nêu gương hỷ xả (vui vẻ buông bỏ) mùa hạ thì ở yên, An cư kiết hạ, ăn chay tu hành, tập theo những vị cao tăng, mùa thu ba tháng thì đi xin ăn theo hạnh đầu đà.

Duyên khởi: Theo Đại Phẩm Luật Tạng, trong những năm đầu thiết lập Tăng đoàn (sagha) đức Phật chưa chế pháp An cư, thế rồi khi mùa mưa đến cây cối mọc lên kéo theo sự sinh sôi nảy nở của vô số côn trùng. Một số đạo sĩ các giáo phái khác họ cũng có quy định an trú trong mùa mưa để tránh giẫm đạp làm tổn hại sinh mạng; thế nhưng chư Tăng đệ tử Phật vẫn tiếp tục du hành trong ba tháng mùa mưa.

Sự việc này đã khiến dân chúng và các giáo phái ngoại đạo kịch liệt chỉ trích: “Làm thế nào có thể những Sa môn, con trai của dòng họ Thích Ca đi về trong mùa đông, mùa hè và cả trong mùa mưa, họ chà đạp xuống thảm cỏ xanh, làm bị thương, giết hại nhiều sinh vật? Đến mùa mưa, chim, kiến còn biết làm tổ để trú mưa, các đệ tử Sa môn Cồ Đàm cứ đi mãi và giẫm phải côn trùng”. Sự kiện này được trình báo lên đức Phật, thế rồi Ngài dùng huệ nhãn để quán xét và nhận thấy nhân duyên đã đến, nên ban hành pháp An cư kiết hạ hàng năm để những người xuất gia hành trì có an lạc. Ngài dạy: “Nay Tôi quy định, các Tỳ kheo phải kiết túc an cư trong ba tháng mùa mưa. Từ đó về sau truyền thống An cư được thực hiện đều đặn hàng năm trong Tăng đoàn và đã mang lại nhiều lợi lạc không chỉ cho hành giả An cư mà còn cho hàng Phật tử tại gia. Tứ Phần Luật San Bổ Tùy Cơ Yết Ma Sớ quyển 4, giải thích nghĩa chữ An cư như sau: “Thu nhiếp thân tâm yên tĩnh là an, thời kỳ phải ở lại là cư”. Bộ Luật Tư Trì Ký định nghĩa: “Lập tâm một chỗ gọi là Kiết; bộ Nghiệp Sớ định nghĩa: Thu thúc thân vào chỗ tịch tĩnh gọi là An” An cư cũng có nghĩa là ‘an kỳ tâm, cư kỳ thân’, tức thân ở yên một chỗ và tâm được an lạc, thanh tịnh gọi là “An cư”.

Trong thời gian ba tháng mùa mưa ở Ấn Độ thì chư Tăng không được đi hoằng hóa các nơi, hơn nữa do vì trong thời gian này các loại cây cỏ, côn trùng phát sanh, nên để đừng sát thương các vật đó, hàng đệ tử Phật thường tập trung lại một nơi, cấm túc, đặt ra quy chế tọa Thiền tu học trong suốt ba tháng An cư.

柴入定伽夫𢭸𥒥,𢠩恾達磨𩈘乖𠓨;
伵問經跪𨆝淫霜,想像神光𢬣㐌割.
“Thầy nhập định già phu tựa đá, mơ màng Đạt Ma mặt quay vào;
Tớ vấn Kinh quỳ gối đẫm sương, tưởng tượng Thần Quang tay đã cắt.”

Hai câu phú này, diễn tả lại nội tâm của cư sĩ khi ngồi thiền. Thầy già chỉ cho tiểu sĩ Bạch Liên ngồi thiền yên lặng như đá, mơ màng vọng đến tổ Bồ Đề Đạt Ma như đang ngồi xoay (quay) mặt vào vách.

Đây là tích truyện kể về vị Tổ sư cuối cùng thứ 28 ở Ấn Độ và là Tổ sư đầu tiên ở Trung Hoa, vì Ngài đem Thiền tông từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa. Lúc qua Trung Hoa chưa phải lúc Ngài truyền bá, nên Tổ đã ngồi thiền ở động Thiếu Thất tại chùa Thiếu Lâm hết chín năm, chờ đợi người hữu duyên để truyền pháp, đó là Thần Quang, sau này là nhị tổ Huệ Khả.

Câu “Tớ vấn Kinh quỳ gối đẫm sương, tưởng tượng Thần Quang tay đã cắt” chỉ cho tiểu đồng quỳ gối hỏi Kinh, thấy ướt đẫm sương Ngài tưởng tượng như tổ thứ hai Thần Quang (Huệ Khả) tay đã bị cắt mà cầu pháp. Điển tích trong nhà thiền như thế này: “Khi Thần Quang đến động Thiếu Thất yết kiến tổ Bồ Đề Đạt Ma. Ngài đứng dưới tuyết suốt đêm, mong tổ cảm động mà dạy cho Pháp môn giải thoát. Nhưng khi Tổ nhìn ra thấy vậy liền chê:
– Ngươi đến đây cầu cái gì mà dùng chút ít khổ hạnh như vậy? Thần Quang (Huệ Khả) thưa:
– Con đến đây nhờ Hòa thượng dạy cho Pháp môn cam lồ. Tổ quở:
– Ngày xưa chư Tổ, chư Bồ tát quên mình vì cầu đạo, lấy thân làm giường chõng, chẻ sương làm viết mực… còn chưa xứng, huống chi dùng chút ít khổ hạnh này.

Nghe Tổ quở như vậy, Thần Quang vào nhà bếp mượn dao ra chặt đứt một cánh tay, Ngài chặt tay để được đạo. Chúng ta thấy tâm của người xưa sao mà gan dạ thế kia, chỉ để cầu đạo mà không màng gì đến thân này, còn chúng ta… Chao ôi! Hổ thẹn làm sao! Đau một chút là chịu không nổi, rên la đủ thứ, ai đụng tới mình là nhảy dựng lên nóc nhà. Học lại gương người xưa, mà thấy bản thân đáng chê trách nhiều thứ quá! Hổ thẹn thay!
Tiếp theo là những câu phú:

仍醝味佛道冉牟,沛 𥄭事塵間得失.
油埃固利名吨𠳨,𤶎眉嘖𠰘呈無.
𠸠仇迻財色厭朝,𢳝古捤𢬣浪不.
“Những say mùi Phật đạo nhiệm mầu, phải ngó sự trần gian đắc thất.
Dù ai có lợi danh dồn hỏi, chau mày chép miệng trình vô.
Ví kẻ đưa tài sắc ướm chào, lắc cổ vẫy tay rằng bất.”

Nhưng khi tỉnh lại, nhìn thấy những chuyện được mất ở trần gian, mới biết rõ đạo Phật nhiệm mầu. Vì sao? Lâu nay chúng ta chấp thật, chấp ngã, chấp cái tôi, cái của tôi, chồng tôi, vợ tôi, tài sản, con cháu của tôi… rồi bám víu giành giật mà không hiểu đạo lý, đến lúc những thứ ấy hết duyên không bên mình nữa, điển hình là cái chết của một ai, thì còn gì nào? Là tôi và của tôi nữa không? Mang theo được gì? Hay chỉ hai bàn tay trắng, ngay cái thân xác này còn nhờ những người ở lại hoặc chôn hoặc thiêu giúp, thì còn gì là tôi là của tôi nữa đây? Thế nên trong lúc mạnh khỏe, tỉnh táo đầy đủ trí tuệ thì chúng ta hãy tìm học đạo lý để có cái nhìn đúng đắn với cách sống giản dị bỏ đi những vướng chấp sai lầm về cuộc sống, để chúng ta bớt khổ, thêm niềm an vui trong hiện tại. Đừng để đến khi muốn làm, muốn học, muốn hiểu… cũng không còn cơ hội nữa, khi ấy đã muộn màng quá rồi. Hỡi những người bạn ơi!

Cho nên, tiểu sĩ Bạch Liên nói: Dù có ai danh lợi dồn hỏi với Ngài, thì Ngài sẽ thưa là “không” vì sao? Vì nó không thực có, tạm có, giả có, có đó rồi chẳng biết mất lúc nào, không bền chắc… Cho nên, ông đã chau mày chép miệng, với những ai cho nó là thật mà đồn thổi khoe khoang.

“Ví kẻ đưa tài sắc ướm chào, lắc cổ vẫy tay rằng bất.”

Ví có kẻ hỏi thử về tiền tài sắc đẹp thì Ngài khuyên ta nên lắc cổ, vẫy tay đối với ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy, không nên tham đắm mà phải ít muốn biết đủ. “khuyên lắc cổ, vẫy tay rằng không nên”.

伴同志堆𠀧𠊛淨慧,畑松膏計𧤁兎義玄.
“Bạn đồng chí đôi ba người tịnh huệ, đèn tùng cao kê sừng thỏ nghĩa huyền.”

Nghĩa là: bạn tu đồng chí hướng, có đôi ba người có tâm định tĩnh và sáng suốt (rất ít).
“đèn tùng cao”: nghĩa là đèn đốt bằng dầu thông (dụ cho trí tuệ).

“kê”: nghĩa là đệm thêm, nâng lên.
“sừng thỏ”: nghĩa là phương tiện.

“đèn tùng cao kê sừng thỏ Nghĩa Huyền” nghĩa sâu hơn chúng ta có thể hiểu những người tu hành nên dùng ánh sáng trí tuệ mà chiếu soi, trở về chân tâm (thể). Nhưng không dừng lại ở đó, phải “kê lên, nâng lên” thêm một bậc nữa, phát ra diệu dụng, có phương tiện để giáo hóa độ người nhưng không chấp vào Pháp môn phương tiện ấy, dụ như “sừng thỏ” để thắp sáng phương tiện giả lập mà đạt đến nghĩa huyền (Đệ nhất nghĩa nhiệm mầu).

小乘顔𠄼𦉱𡥚息慈,卷貝葉𠱆𪘵麑勾律.
“Tiểu thừa nhan năm bảy gã Tức từ, quyển Bối diệp dắng răng nghê câu luật.”

Bộ mặt (nhan) tiểu thừa, chỉ mấy vị nhỏ, Ngài nhận có mấy (năm, bảy) chú Sa di “Tức từ”.
Vì Sa di là tiếng Ấn Độ, Trung Hoa dịch có ba nghĩa:

• Tức từ: là người dứt ác làm lành.
• Cần sách: là người siêng năng tu tập các pháp lành.
• Cầu tịch: là người cầu sự tịch tĩnh, vắng lặng.

“Quyển bối diệp”: là quyển Kinh được ghi trên lá bối đa, khi xưa ở Ấn Độ, Kinh được viết trên một loại lá rất to tên là: lá bối “lá bối để viết Kinh, trong ấy có tiếng rống của sư tử con” “câu luật” trong tam tạng Kinh điển tuyên dương Giới luật.

奈包世態風流,庄管襌家苦屈,
辱榮富貴局閻浮,䀡朋空花.
“Nài bao thế thái phong lưu, chẳng quản thiền gia khổ khuất.
Nhục vinh phú quý cuộc Diêm phù, xem bẵng không hoa.”

Dịch nghĩa:
“Không ngại gì thói đời dư dả, không màng đến nhà chùa nghèo thiếu.
Vinh hoa tủi nhục, phú quý và giàu sang ở cõi Diêm Phù Đề này, xem bằng như hoa đốm trong hư không.”

Các câu phú này thật là tuyệt vời! Đối với các bậc tu hành, các Ngài không ngại chuyện lên xuống được mất của dòng đời thế tục, vì sao? Vì tâm của các Ngài bất biến giữa dòng đời vạn biến. Cuộc sống tu hành tuy là khổ cực nghèo thiếu về: ăn mặc ngủ nghỉ… các Ngài cũng không màng đến. Nếp sống đơn giản, dụng công tu hành, thân tuy nghèo nhưng tâm đạo thì châu báu đeo, tu tập dù có cực khổ đến đâu, nhưng tâm tư những người tu cũng thảnh thơi, nhẹ nhàng sống một cuộc đời làm chủ chính mình, không lệ thuộc, sống với tâm Phật sáng ngời, đến lúc hết duyên thì vui vẻ ra đi, có gì đâu để bám víu, vì hàng ngày huân tập sống đời của người vô sự, thì lúc ra đi, các Ngài vẫn tự tại thôi. Đây là những tấm gương là bài học cho mỗi chúng ta noi theo.

Cho nên, tiểu sĩ Bạch Liên đã nói: Ông chẳng ngại những chuyện lên xuống của người thế gian và càng không sợ gì sự khổ nhọc của nếp sống tu hành trong nhà thiền là vậy.
Còn chuyện vinh nhục giàu sang ở cõi Diêm Phù Đề, ông xem như hoa đốm trong hư không mà thôi, sự chớp tắt, vụt có rồi vụt mất, không thật… vậy nên cư sĩ đã không màng đến, chỉ ở trong cái thất nhỏ an tâm tu hành.

哀,樂,興,衰塘物色𥉩如幻質.
“Ai, lạc, hưng, suy đường vật sắc trông như huyễn chất.”

Sự buồn vui, hưng thịnh, suy tàn… những con đường này trông như “huyễn chất” thôi (bản chất là huyễn giả) không thật có. Tất cả mọi người đều có cái thấy như vậy thì đỡ khổ lắm giữa cuộc sống này, đã không thật thì tâm tranh giành hơn thua cũng sẽ bớt đi.

心𧘇势㐱風家羅𧘇势,唒小士擬於𥨧棱深濕.
身朋𢭗叱國殿高,行羕𠉞雙攻案吏羕𠉞.
“Tâm thế ấy chỉn gia phong là thế ấy, dấu tiểu sĩ nghỉ ở xó rừng thâm thấp.
Thân bằng nương Bắc quốc điện cao, hạnh dường này song công án lại dường này.”

Tâm thế ấy, ý nói tâm thấy được bản chất thật của vạn pháp, sống được với sự thanh tịnh bản nguyên. Tâm như vậy thì nếp sống, quy cách, gia phong… cũng như vậy. Dấu tích của tiểu sĩ Bạch Liên không gì quan trọng, chỉ ở xó rừng nhỏ bé. Thân tuy không gì quý giá, chỉ như đất, như nương ruộng phía Bắc, nhưng đó là cả cung điện nguy nga tráng lệ, thân tuy nghèo nhưng châu báu đeo là ý này. Dung nghi và phẩm hạnh của ông ở hiện tại, cũng được xem như công án, phương tiện mà ông đang thực tập tu hành.

辰師伽坐修𧣳𡶀𡮈儒,名㐌列西方榜一.
“Thì Sư già ngồi tu góc núi nhỏ nho, danh đà liệt Tây phương bảng nhất.”

Ý Ngài nói: Thì Ngài tuy là một sư già đang ngồi tu ở thất, chỉ một góc núi nhỏ nhoi này, nhưng tên đã được liệt kê ở bảng nhất của Tây phương rồi (Như những nhà nho thời xưa, lúc đi thi làm quan đỗ trạng nguyên thì được đứng đầu bảng-bảng nhất). Thì tuy là người còn tu ở cõi ta bà, nhưng bên kia chỗ tịch tĩnh an vui (dụ cho Tây phương) Ngài đã tự có phần rồi.

些𠉞䀡鋪釋教讀部毗尼,讀𦤾勾捨萬乘之尊榮,
受六年之饑凍𪳼噲哀感激𥪝𢚸,丕𢧚吐氽𠳒自述.
“Ta nay xem pho Thích giáo đọc bộ Tỳ Ni, đọc đến câu xả vạn thặng chi tôn vinh, thọ lục niên chi cơ đống.
Chưa hỏi ai cảm kích trong lòng, phải nên thổ mấy lời tự thuật.”

Nghĩa là: Nay tiểu sĩ Bạch Liên xem Kinh, thích lời Phật dạy, đọc bộ Tỳ Ni, đọc đến câu: “Bỏ vạn xe của sự tôn vinh quý báu, chịu sáu năm đói lạnh cực nhọc. Chưa có hỏi ai, nhưng ông thấy cảm kích vô cùng, nên nhủ lòng phải thổ lộ lại mấy lời cùng người sau.”

Những câu phú ở đoạn cuối này, thật tuyệt vời! Ông tiểu sĩ Bạch Liên là một người cư sĩ sống đời tu sĩ, có sự liễu đạt về tâm mới ghi được những lời phú tuyệt vời thế kia. Ông thấy rõ sự giàu sang quyền quý của dòng đời là huyễn, như hoa đốm trong hư không, ông không cam phận. Quyết chọn nếp sống nhà thiền tuy khổ cực nhưng thân tâm an lạc tự tại, trong cuộc sống tu hành, ông rất vui và yêu thích chọn lựa của chính mình. Ở sự tu tập cảm được niềm vui ấy, an lạc, nhẹ nhàng từ Kinh điển, Luật Luận mà ông đã đọc qua, tiểu sĩ tâm đắc nên đã ghi lại như sự chia sẻ với những ai có tâm tu hành. Bài phú tuy đơn giản ngắn gọn nhưng súc tích, ẩn chứa đạo lý trên từng câu chữ.

Qua toàn tác phẩm Thiếu Thất Phú này, tiểu sĩ Bạch Liên, tuy một cư sĩ nhưng tâm tu hành rất lớn, sống cuộc đời ẩn sĩ có những niềm vui từ tự tâm. Chúng ta đọc và học lại những lời phú này như những lời nhắc nhở, giúp những người con Phật đã xuất gia, cũng như tại gia. Nếu ta thật tâm tu hành thì sự an vui luôn lan tỏa trong chính mình và từ trường ấy sẽ cảm hóa đến môi trường và hoàn cảnh, những con người đang chung sống xung quanh ta. Mỗi người ai cũng nỗ lực tu tập, như Chư Phật, chư Tổ đã chỉ dạy, thì cuộc sống này thật quá tuyệt vời, còn kiếm tìm đâu xa, cực lạc nơi cõi uế trược này, tâm ta chuyển thì vạn cảnh cũng chuyển theo. Nên trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng đã dạy: “Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh”. Vậy chúng ta hãy cùng nhau cố gắng tu tập, góp nhặt những tinh túy mà tác phẩm Thiếu Thất Phú này mang lại, để giúp ích cho chính mình và chia sẻ cùng pháp lữ trong tinh thần “chân tu thực học” nhé mọi người!

Trăm lần không, vạn lần cũng Không
Tôi không muốn danh gì trong trần thế
Vì danh kia là ảo vọng không bền
Trói buộc mãi con người trong sợ hãi
Tôi muốn sống hiền hòa như đá cuội
Bên dòng sông bên suối nhỏ ven rừng
Cười thật hiền với sóng nước lăn tăn
Và trải khắp yêu thương không vướng mắc
Đóa hoa dại, ven rừng hương thơm ngát
Sống bình an bên đám cỏ ven rừng
Còn gì hơn giữa gió mát trăng thanh
Ôi! Báu vật “đất trời kho vô tận”.
(Ni sư Thích nữ Hạnh Bình,
Trụ trì Thiền viện Bảo Hải)

Chúng ta hãy cùng nhau tận hưởng thật trọn vẹn những gì mình đang sẵn có. Đừng mơ mộng hão huyền, vật vã kiếm tìm những thứ không bền chắc ở thế gian. Một lần đọc là một lần nhắc nhở, chúng ta hãy quay về với nguồn tâm trong sáng của chính mình. Ta là chủ nhân ông, là người quyết định chuyến đò sanh tử tiếp tục trôi lăn hay dừng lại. Chúc bạn và tôi luôn tỉnh sáng, chiếc gươm trí tuệ tay chẳng rời để cuộc sống chúng ta không trôi qua vô ích nơi kiếp người mong manh này. Trân trọng thay!

Hải Thuần Bảo Hải

Tin khác

Cùng chuyên mục