Thứ Ba, 16 Tháng Tư 2024
Phật họcBạn biét gì về thiếu Thất Phú của Tiểu sĩ Bạch Liên?

Bạn biét gì về thiếu Thất Phú của Tiểu sĩ Bạch Liên?

  Thật hiếm hoi và vô vàn khó khăn trong việc kiếm tìm lại dấu tích của người xưa, thiền học Việt Nam nước ta rất khan hiếm về sách sử ghi chép, bởi do thời chinh chiến bom đạn, Pháp thuộc ngót 80 năm, sách vở của ta bị mang về nước Pháp rất nhiều. Rồi đến năm 1945 lại bị Nhật sang, sách sử Việt Nam lại bị mất một phần lớn nữa. Hết khó khăn này đến khó khăn khác, đã khan hiếm lại càng khan hiếm hơn. Thiếu Thất Phú là một minh chứng. Tác giả của tác phẩm là “Tiểu sĩ Bạch Liên”, không thấy một tài liệu nào ghi lại về tiểu sử và thân thế của ông. Chỉ tìm thấy Thiếu Thất Phú bằng Hán Nôm trong quyển Thiền Tông Bản Hạnh, lưu truyền trong tông môn, tại Thiền viện Thường Chiếu, hiện tại ít thấy bản ghi chú âm Hán Nôm của tác phẩm này bằng chữ Quốc ngữ (Việt Nam), thiền sinh Thiền viện Bảo Hải chúng con được sự chỉ dạy và giúp sức của thầy Giáo thọ Thiền viện Chân Không, Thượng tọa thượng Thông hạ Thiền, đã ra công bỏ sức, dành thời gian tra cứu, phiên âm Hán Nôm, chuyển sang chữ Quốc ngữ, rồi chỉ dạy tác phẩm Thiếu Thất Phú này cho chư Ni và Phật tử tại Thiền viện Bảo Hải. Chúng con là những kẻ tài hèn sức mọn, phước mỏng nghiệp dày… nhưng với tấm lòng biết ơn sự lao nhọc của những bậc thầy đã dày công khó khổ, các Ngài không kể mình đã có tuổi, mà hết lòng nghiên cứu, tìm tòi để dạy cho đại chúng. Thiền sinh Bảo Hải đồng lòng với tâm huyết của thầy: “Để tác phẩm Thiếu Thất Phú này sống dậy từ câu chữ, sống dậy trong lòng người và đi ra cuộc đời thường”, thế nên chúng con đã mạo muội, thiểm chú lại những gì đã được học, được hiểu, được ứng dụng trong cuộc sống, trong sự tu tập của thiền sinh có tông môn, có Thầy tổ, có đại chúng… kính trình lên những bậc ân sư minh chứng.

Ngưỡng nguyện Sư ông Trúc Lâm, thượng Thanh hạ Từ chứng minh.
Ngưỡng nguyện Hòa thượng Thường Chiếu, thượng Nhật hạ Quang chứng minh.
Ngưỡng nguyện thầy Giáo thọ Thiền viện Chân Không, Thượng toạ thượng Thông hạ Thiền chứng minh.
Ngưỡng nguyện thầy Bổn Sư, trụ trì Thiền viện Bảo Hải, Ni sư thượng Hạnh hạ Bình chứng minh…

Trong lúc thầy Giáo thọ Thiền viện Chân Không đang dạy tác phẩm Thiếu Thất Phú, đến đoạn gần kết, thầy nói với hội chúng như thế này:

“Bài Thiếu Thất Phú này, là một tác phẩm của cư sĩ Bạch Liên, tuy là Phật tử nhưng ông cũng tu thiền. Thiền vị trong tác phẩm này khá tuyệt vời, sở dĩ bần đạo cố công dạy cho đại chúng là vì mong muốn quý vị có thêm niềm tin. Người xưa tuy là cư sĩ nhưng vẫn tu được Pháp môn đốn giáo. Ngoài những tấm gương của các bậc thượng sĩ đời Trần, cũng có nhiều tấm gương khác nữa, điển hình là cư sĩ Bạch Liên và ý của bần đạo muốn làm cho những con chữ trong văn bản Hán Nôm của nước Việt Nam là những con chữ sống, sống dậy từ sách vở, đi vào lòng người, rồi đi ra cuộc sống… hầu giúp cho ta trong việc tu hành, trở về với tâm Phật của chính mình.

Hồi 12 tuổi, bần đạo từng đọc về Jean – François Champollion (1832). Ông là một học giả, nhà ngữ văn và nhà tâm lý học người Pháp, được biết đến chủ yếu là người giải mã các chữ tượng hình Ai Cập, nói tiếng Cốp (Copte) và tiếng Ả Rập rất trôi chảy. Cuộc sống của ông giống như người tu. Mặc dù sống giữa Paris hoa lệ, nhưng ông xa lánh hết cám dỗ của đế đô, suốt ngày ông chỉ ở trong thư viện, vùi đầu vào sách vở. Chính Champollion là người đã làm cho đá biết nói và thư viện tại Pháp lưu trữ những tài liệu quý này. Về sau, ông trở thành nhà khảo cổ học tuyệt vời, nên trong lòng bần đạo rất thán phục và cũng muốn như ông ta khi đọc được những tác phẩm Phật giáo chữ Hán Nôm của các bậc tiền bối nước Việt Nam mình.

Cũng vậy, tuy bản Thất Thiếu Phú này rất hiếm hoi về tài liệu, nhưng chúng ta kiên tâm bền chí, chịu khó mà nghiên cứu tra tìm, thì ta cũng làm được ở mức độ cho phép, trong khả năng của mình, tuy nhiên cũng có vài chỗ khiếm khuyết, nhưng hy vọng ở những người sau nữa, có cao kiến thì điền khuyết vào, để cho tác phẩm hoàn chỉnh hơn ở lần tái bản sau.”

Chính những lời nói này của thầy là động lực, giúp cho chúng con có thêm sức mạnh dồn hết tâm sức để thiểm chú, một tác phẩm quá hiếm hoi về tài liệu. Chúng con hàng đệ tử của quý thầy, trong tông môn Thiền phái Trúc Lâm, đã nhận được sự dày công, dạy dỗ của quý Ngài đối với Pháp môn đốn giáo. Dù có nói như thế nào đi chăng nữa, bút mực, giấy viết, ngôn ngữ của trần gian không thể nào diễn tả hết được tấm lòng biết ơn vô hạn của chúng con – những thiền sinh Thiền viện Bảo Hải, được sự giáo dưỡng của quý Ngài. Chúng con nguyện gieo chút duyên lành với những bậc ân đức cao vời, xin được đời đời kết duyên lành, tu tập Pháp môn Thiền tông, chúng con nguyện tinh tấn, kiên tâm bền chí nỗ lực tu hành cho đến ngày thành Phật mới thôi. Ngưỡng nguyện quý Ngài từ bi chứng minh cho tấc lòng chí thành, chí kính của hàng đệ tử chúng con.

Và giờ đây không chần chừ gì nữa, chúng ta cùng nhau tìm hiểu tác phẩm Thiếu Thất Phú. Chữ: “Thiếu Thất Phú” là bài phú nói về “Cái Thất Nhỏ” (thiếu thất) của Tiểu sĩ (cư sĩ) Bạch Liên. Chúng ta đừng hiểu lầm chữ “thiếu thất” là động Thiếu Thất ở chùa Thiếu Lâm nơi mà tổ Bồ Đề Đạt Ma, ngồi xoay mặt vào vách chín năm để chờ truyền pháp cho người đệ tử Thần Quang (Huệ Khả)… hiểu như vậy là sai ý của ông cư sĩ Bạch Liên này viết. Chữ “thiếu” nghĩa là nhỏ. Tuy cái thất nhỏ thôi, nhưng ông ở nơi đây tu hành trong hình thức cư sĩ. Đối với người có tâm thì không những chỗ ở, sinh hoạt ăn mặc, ngủ nghỉ… tất cả đều giản đơn, cái mà họ coi trọng là đạo đức, là sự tu hành.

Phú (賦) là một thể văn chương cổ của Trung Hoa, có ảnh hưởng đến văn học Việt Nam trong một thời kì. Đây là một thể văn vần có từ thời nhà Hán nhưng thể phú thông dụng nhất tại Việt Nam là loại đặt ra từ đời nhà Đường, nên còn gọi là Đường phú. Một câu gồm 4 chữ, 7 chữ hoặc nhiều hơn giống như văn xuôi… là thể văn tả cảnh. Nhưng từ cái ý chính tả ngoại cảnh, một bài phú thường liên kết với nội tâm để tả tình.

Mở đầu bài phú là 2 câu:

Chữ Nôm:

𢝙𠊝沔少室
𢝙𠊝沔少室.

Chữ Việt:

Vui thay miền thiếu thất
Vui thay miền thiếu thất.

Nếu trong chúng ta ai có biết đến tác phẩm: “Thiền Tịch Phú” của thiền sư Chân Nguyên, thì sẽ thấy hai câu phú mở đầu này của cư sĩ Bạch Liên và thiền sư có chỗ tương đồng, ở Thiền Tịch Phú hai câu mở đầu là:

Vui thay tu đạo Thích
Vui thay tu đạo Thích.

Có lẽ chúng ta nhận ra chúng giống và khác chỗ nào rồi chứ? Có phải chăng, những người có tâm tu, các Ngài luôn an vui trong mọi hoàn cảnh? Người thì vui vì được tu đạo Phật Thích Mâu Ca Ni, người thì vui khi tu ở cái thất nhỏ của mình. Tiếp theo hai câu phú:

Chữ Nôm:

𩂏箼㐌𡗶, 𢪲蹎産坦
𠆳𠀧間茄𦹵蘆疎,𢭾氽𦑃簾蓬披拂.

Chữ Việt:

Che nóc đà trời, nâng chân sẵn đất
Trùm ba gian nhà cỏ lưa thưa, buông mấy cánh rèm bồng phơ phất.

Nghĩa là: Che trên nóc, đã có trời, nâng dưới chân đã có đất.

Hải Thuần Bảo Hải

Tin khác

Cùng chuyên mục