Thứ Tư, 27 Tháng Chín 2023
Chưa được phân loại Bậc thầy mô phạm

Bậc thầy mô phạm

<HĐ>Lễ Tưởng niệm Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo cũng là dịp khơi rộng ra dòng chảy trong mạng mạch Phật pháp của Ni giới Việt Nam. Bài viết này xin phép được đề cập đến một bậc Ni lưu mô phạm, đức hạnh khiêm cung của Ni giới – Ni trưởng Huệ Giác, mà nhiều nhà trí thức Việt Nam, trong đó có Tiến sĩ Thái Thị Thu Hương – Đại học Quốc gia TP.HCM, sau khi tìm hiểu công hạnh và hành trạng của Người đã khẳng định: “Ni trưởng Huệ Giác quả đúng là một bậc Ni trưởng uyên thâm, khiêm cung và giản dị, mang chí xuất trần thượng sĩ, làm nhiều công đức lớn cho đạo và đời.”

Nhắc đến Ni trưởng là nhắc đến tấm lòng từ bi vô hạn. Ngài đã khéo dùng “phương tiện môn” tạo nhiều thắng duyên tu hành cho hàng Thích tử và cư sĩ tại gia. Ai có duyên được gặp Người sẽ được khai thị đầy yêu thương để biết quy hướng Phật pháp mà tu hành. Có thể nói, “Bồ tát hạnh” chính là lý tưởng, là tâm nguyện của cả cuộc đời Ni trưởng Huệ Giác. Người đã giáo huấn các đệ tử phải biết hy sinh, chịu được gian khổ vì lợi ích quần sanh… Nghe những mẩu chuyện xưa Ni trưởng dạy quý Sư trên đỉnh Linh Sơn tu hành và chịu đựng khổ hạnh, khiến người nghe cảm động và thêm lòng ngưỡng mộ.

Thời xa xưa ấy, mới 18 tuổi xuân, Ni trưởng đã từ bỏ mái trường Gia Long tìm đường xuất gia quyết lìa thế tục, hơn 60 năm trải thân độ thế, hoa vô ưu đã nở trên đường Thánh đạo qua từng bước chân chịu nhiều gai góc và sỏi đá của Người, để giờ đây, trên một ngàn mẫu rừng tràm và các loại cây gỗ quý phủ xanh đồi trọc (hiện nay trên thế giới cũng chưa có vị Ni nào tiên phong trong việc bảo vệ môi trường sống bằng việc làm thực tiễn như Ni trưởng Huệ Giác). Về mặt môn phong, trên hai trăm chùa chiền, tự viện, tinh xá, thiền thất… Hơn một ngàn Tăng Ni giữ đúng tôn chỉ của Tông phong tu hành đúng theo chánh pháp, hàng mấy chục nghìn Phật tử quy hướng theo Ni trưởng quy y Tam bảo… Công đức như thế nhưng lúc nào gặp Ni trưởng chúng ta cũng chỉ thấy hình ảnh một vị Ni hiền từ, ít nói, khiêm cung và giản dị.

Nghe kể lại từ những ngày Tăng Ni Tông phong Tịnh độ Non bồng bắt đầu về tu tập trên tổ đình Linh Sơn núi Dinh. Trong hoàn cảnh vạn sự khó khăn của những năm tháng còn chiến tranh nhưng Ni trưởng đã hướng dẫn quý Sư nuôi hàng trăm cô nhi (năm 1960). Thời gạo châu củi quế, Ni trưởng và Tăng Ni phải đội từng thúng gạo từ chân núi lên đỉnh, mang từng viên gạch lên đỉnh xây dựng Tổ đình, Người không quản nắng mưa núi cao rừng thẳm… vừa hướng dẫn đồ chúng tu tập, vừa nuôi trẻ mồ côi và chăm sóc người già neo đơn. Nào ngờ đâu, trong số các em cô nhi, các quả phụ, người nghèo khổ được ni trưởng cưu mang trên núi Dinh trong nhiều năm tháng thì mãi đến tháng 10/1978, mới biết ra rất nhiều trong số đó có rất nhiều con cháu, thân nhân và cả những người tham gia Cách mạng. Do vậy, năm 2001, Ni trưởng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến cứu nước Hạng 3, trong công tác trồng rừng bảo vệ môi trường xanh Ni trưởng lại nhận được Huân chương Lao động Hạng 3 của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2016.

Về các đệ tử của Người thì một số đệ tử chuyên về giáo dục hoằng pháp và việc hành chánh Giáo hội, còn phần lớn là ở rừng ở núi, rẫy bái, chơn chất tu hành. Trong công tác từ thiện, rất nhiều chùa trong Tông phong, dưới sự hướng dẫn của Ni trưởng thiết lập phòng xá nuôi người già, các cụ được chăm lo đầy đủ, được gieo duyên xuất gia, đêm ngày 6 thời Hồng danh niệm Phật, cho đến ngày xả báo thân được hộ niệm an lành. Tình thương người già của Ni trưởng được thể hiện qua bài hát Những đồi thông già cô liêu, tôi yêu: “Đẹp ơi! Thông xám pha sương, dễ thương tiếng hát miên trường, thông reo vi vu, vi vu êm đềm…” Thông xám pha sương là tóc muối tiêu của cụ già, tiếng hát miên trường dễ thương là tiếng niệm Hồng danh của các cụ trong đêm trường thanh vắng.

Hiện nay, ở chùa Long Phước Điền (Long Thành, Đồng Nai) nối tiếp chí nguyện của Thầy mình, Sư cô Ngọc Lạc nuôi các em cô nhi, mà dũng cảm hơn nữa phát tâm nuôi dưỡng cả những em bệnh tâm thần, những em đã bị cha mẹ hắt hủi vì ngu khờ hay bệnh tật. Trong tình yêu thương vô bờ của sư, có em đã tốt nghiệp Đại học, có em nuôi chí xuất gia. Ni sư Lan Nhã (Bửu Hoa Ni viện) ngoài việc trồng rừng cũng giáo dạy nhiều em mồ côi thành người mến đạo tu hành, Sư cô Diệu thắng (Di Linh, Lâm Đồng), Sư cô Diệu Xinh (chùa Bửu Sơn, Định Quán, Đồng Nai) thành lập cơ sở từ thiện nuôi người già và trẻ mồ côi, phòng thuốc Nam miễn phí…

Tôi cũng được biết, ngày Ni sư Hương Nhũ về Dĩ An – Bình Dương nhận một hecta đất “rẫy Ba Bà” (sau này thành lập Thiên Quang Ni tự) thì Ni trưởng đã dạy ngoài việc giáo dục và hoằng pháp hãy phát tâm làm những việc khó làm, đó là đem ánh sáng cho người khiếm thị, in kinh chữ nổi, dạy Phật pháp và hỗ trợ đời sống cho họ. Đạo tràng Đại Bi tại chùa Thiên Quang giờ có đến trên một ngàn người mù, Ni trưởng còn nhắc nhở Ni sư Hương Nhũ phải chịu khó đem Phật pháp tới vùng sâu vùng xa: “Bây giờ Già lớn tuổi rồi, việc gì Già chưa làm xong các con phải tiếp tục, nhất là quan tâm đến lớp trẻ”. Nhiều bài pháp thoại của Ni sư giảng được Ni trưởng đích thân đưa ra đề tài và đặt tên cho pháp thoại như Nắng ấm mùa xuân, Hương hoa đất Việt, Tuổi trẻ và sự cô đơn, Mắt mù nhưng tâm không mù,…
Trong việc giáo hóa, Ni trưởng rất khéo dùng phương tiện khuyến thiện kể cả những người bất lương, rất nhiều người xấu ác, sau khi được gặp Ni trưởng, do cảm kích lòng từ bi chơn thật của một vị Thầy nên cải tà quy chánh. Dường như câu hỏi thường gặp của Ni trưởng đối với các Phật tử sẽ là việc ăn chay và niệm Phật. Cô Bảy Hà (nhũ danh Đỗ Thị Ngọc Trinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư) kể với tôi rằng: “Thầy biết không? Lần nào về Quan Âm Tu viện, Ni trưởng cũng hỏi con: Cô ăn chay trường chưa, con nói chưa hoài thấy kỳ quá nên con phát tâm ăn chay trường luôn, nhờ vậy mà ăn chay đã được hơn mười mấy năm rồi. Thiệt là nhờ Ni trưởng mà con tu tinh tấn hơn thưa Thầy!”

Với tình yêu đất nước quê hương, Người thương từng nhánh cây, ngọn cỏ. Ni trưởng luôn thể hiện ân đức qua từng lời nói việc làm. Ăn một quả ngon, lập tức cho hạt vô bịt để ươm giống. Lâu lâu xe tải xuống Tu viện chở cả mấy trăm cây giống về rừng rẫy để quý sư xuống đất trồng cây ăn trái bên cạnh những thảm cây xanh. Trong hàng trăm ngôi chùa của Tông phong, do đức độ của Ni trưởng, nên đi đến đâu cũng cảm nhận một lòng cung kính, hiếu đạo và vâng lời của các vị đệ tử xuất gia và tại gia.

Nhân ngày kỷ niệm Thánh Ni Kiều Đàm Di, hồi tưởng lại những lời giáo huấn thiết tha với tấm lòng từ bi như biển cả, sự giáo dưỡng hàng môn đệ một cách tinh nghiêm, dạy hàng cư sĩ tại gia cũng giới hạnh tròn đầy cũng như công đức vô biên của Ni trưởng Huệ Giác, tôi mạn phép viết lên đôi dòng cảm tác về một bậc Ni lưu đức hạnh khiêm ưu trong hàng Ni giới Việt Nam luôn tỏa ngát hương sen giải thoát giữa cõi hồng trần.

Thích Thiện Huy
Học viên Cao học, HVPGVN tại TP.HCM

Tin khác

Cùng chuyên mục

error: Nội dung được bảo mật !!