Hỏi: Tôi ăn chay trường, nhưng mỗi ngày đều mua thức ăn mặn hay làm thức ăn mặn nấu cho những người còn lại trong gia đình dùng. Như vậy việc ăn chay của tôi còn có ý nghĩa hay không?
Trả lời: Những tình huống này diễn ra với rất nhiều gia đình Phật tử. Bản thân của các Phật tử này đã thấy được quyền bình đẳng, về sự sống của các loại gia súc và động vật nói chung và phát nguyện ăn chay trường. Nhưng ngược lại, những người thân thì không có quan niệm đó, hoặc nếu có thì họ cũng không thực tập ăn chay. Dù người ăn chay trường, mà mỗi ngày phải đi mua thực phẩm mặn và nấu nướng cho những người thân của mình ăn. Người hay ăn mặn lại không trực tiếp giết, trong khi người ăn chay trường vì bất đắc dĩ đã trực tiếp hay gián tiếp sát sanh thì ý nghĩa của việc ăn chay sẽ như thế nào?
Ăn chay theo tinh thần Phật giáo không phải chỉ đơn thuần có giá trị về phương diện y học, để đảm bảo các loại bệnh tật do mình tránh được, việc ăn phải những loại thực phẩm liên hệ đến thịt đỏ hay là máu. Mục đích ăn chay là để thiết lập lòng từ bi, cho nên mình chu cấp thực phẩm mặn bằng cách làm hoặc giết các loại thực phẩm đó cho những người thân của mình ăn, dĩ nhiên gián tiếp ảnh hưởng đến việc ăn chay. Nếu người ăn chay phải làm vai trò đầu bếp hay nội trợ thì tốt nhất là nên mua những loại thực phẩm đã làm sẵn ngoài chợ, để khỏi phải trực tiếp sát sanh. Nghiệp gián tiếp sẽ ít nghiệp quả hơn nghiệp trực tiếp.
Hơn nữa, mục đích ăn chay là để bảo hộ mạng sống, cho nên sát sanh trực tiếp sẽ làm cho việc ăn chay của mình không còn ý nghĩa nữa. Phước quả ăn chay đôi lúc chưa đủ phước báu để vượt qua được nghiệp sát sanh, khi chuẩn bị thực phẩm cho người khác dùng. Ngay cả trong tình huống không ăn chay trường mà phải làm đầu bếp, nội trợ trong gia đình thì chúng tôi khuyên các Phật tử nên cố gắng mua những thực phẩm đã làm sẵn.
Người làm đồ tể, bán thịt cá ngoài chợ tạo nghiệp sát sinh trực tiếp nên quả báo về yểu thọ, bệnh tật tất nhiên là họ phải gánh lấy trong tương lai. Phật tử không nên dấn thân vào những nghề như: chài lưới, bắt chim, nuôi cá để bán, chưng cá cảnh cá kiểng ở trong nhà, … vì những nghề này gieo những tác nghiệp bất tiện mà hậu quả khó lường trong tương lai. Người Ấn Độ có một truyền thống nên học hỏi. Khi họ chọn lựa con đường ăn mặn, họ không ăn nhiều các loại cá thịt với số lượng hàng loạt trong một bữa ăn. Do đó, họ chọn một con cá thật to cả gia đình ăn một ngày không hết. Như vậy, trong một ngày hoặc một tuần họ chỉ gián tiếp giết một sinh mệnh. Ăn những loại cá bé, cá nhỏ thì số lượng sinh mệnh sẽ bị tàn sát nhiều hơn và nghiệp sát sanh trong tình huống này cũng bị nhân lên.
Việc ăn chay hay ăn mặn là phụ thuộc vào sự lựa chọn và thói quen gắn liền với cơn nghiện trong chủ nghĩa tiêu thụ. Có nhiều người khi sinh ra đã thích ăn chay. Nghe mùi vị mặn hay cha mẹ buộc ăn thì cảm thấy muốn nôn dội ngược ra. Trong tình huống đó, chúng ta có thể nghĩ rằng đời quá khứ gần đây người này là người ăn chay trường, do đó các vị mặn, mùi tanh của thịt cá không lôi cuốn được. Nếu là các bậc cha mẹ thì trong tình huống đó, đừng nên bắt ép con cái ăn mặn mà ngược lại hãy tạo điều kiện cho chúng ăn chay, và phải xoá bỏ quan niệm sai lầm rằng ăn chay sẽ mất sức khoẻ.
Ấn Độ có cộng đồng người ăn chay lớn nhất thế giới. Người ăn chay đến vài trăm triệu người nhưng họ vẫn khoẻ mạnh, vì họ ăn đúng dưỡng chất và có phương pháp. Do đó, để thay đổi sự nhận thức về ăn chay và mặn đòi hỏi thay đổi về nhận thức. Có người quan niệm rằng nếu không ăn mặn thì họ sống không nổi, nên phải ăn. Ngược lại, có những người ăn mặn nhưng lại hoan hỉ nấu chay cho chồng con mình. Mặc dù bản thân mình không thích ăn chay nhưng lại nấu thực phẩm chay ngon hơn thực phẩm mặn. Người ăn mặn nấu đồ chay cũng có phước khi mình đã hỗ trợ gián tiếp cho rất nhiều người để giảm thiểu việc sát sanh. Điều đó có khi phước đức cũng không thua kém việc ăn chay trường mà phải nấu đồ mặn. Chúng ta phải thấy rõ điều này, để chọn lựa cho mình phải nên làm gì khi nhân quả và phước báo quyết định lấy hết tất cả mọi thứ trong cuộc đời.