Thứ Năm, 18 Tháng Tư 2024
Hành trạng chư NiÂm vang lời biển

Âm vang lời biển

<HĐ> Ni trưởng Như Hoa – Một đời hành đạo (1909 – 1989)

“Con chưa từng thấy biển, con chỉ biết dòng sông, nhưng có nghe người kể, biển thì rộng hơn sông, biển thì rộng mênh mông, bao la biển xanh mặn nồng.
Một đời người như dòng sông, nếu ai sống cho riêng mình…
Nếu ai sống cho muôn người thì lòng rộng như biển xanh…”.
Chư Ni hậu học ngày nay đang tìm về nguồn, soi lại những tấm gương công hạnh của chư vị Trưởng lão ni tiền bối, lấy đó làm chất liệu thiêng liêng, làm niềm tin đi tới và động lực để học đạo, tu đạo và hành đạo. Tôi xin được giới thiệu cuộc đời của bậc trưởng lão Ni kỳ túc – Ni trưởng thượng Như hạ Hoa.

Thân thế

Ni trưởng sinh năm 1908 (Mậu thân) tại huyện Thạnh Hưng, tỉnh Đồng Tháp, thế danh Chế Thị Ngàn, Pháp danh Như Hoa, Pháp hiệu Chơn Ngạn. Ni trưởng là con cả trong một gia đình trung nông, Nho giáo nhưng có lòng tin Phật. Thân phụ là cụ ông Chế Văn Cảnh, Pháp danh Tế Thời và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Xướng, Pháp danh Huệ Phụng, lúc tuổi xế chiều, song thân đều xuất gia học Phật.

Ngay từ khi 7 tuổi, ngoài việc học ở làng, Ni trưởng còn được thân phụ hướng dẫn dạy dỗ về Nho học. Ni trưởng có hai người em gái, người em thứ kế thừa gia nghiệp, còn người em út về sau cũng nối gót Ni trưởng xuất gia học đạo – chính là Ni trưởng Như Ngọc – Viện chủ chùa Phước Huệ, tỉnh Đồng Tháp. Đến tuổi trăng tròn, Ni trưởng nhiều lần xin phép xuất gia học đạo nhưng đều bị song thân ngăn cấm, tuy nhiên, điều đó vẫn không làm lay chuyển quyết tâm cầu đạo của Người.
Thời kỳ xuất gia tu học

Năm 19 tuổi (1928), với ý chí kiên định và nhiệt tình cầu đạo cháy bỏng, Ni trưởng quyết định xả tục cầu chơn dù biết rằng song thân sẽ buồn. Ni trưởng cầu Hòa thượng chùa Kim Huê làm Thầy, xin được xuất gia học đạo và đã được Hòa thượng chấp thuận. Tuy học đạo ở chùa Tăng, nhưng lúc nào Ni trưởng cũng khép mình theo quy luật của thiền môn, một mực tỉnh cần nghiêm thân tấn đạo, được cả hai giới xuất gia và tại gia quý mến. Năm 1932, Ni trưởng ra Huế tham học tại Ni trường Diệu Đức, trong thời gian này, Ni trưởng tiếp thu được nhiều tinh hoa từ giáo điển do các bậc trưởng lão kỳ túc truyền trao. Năm 1936, chiến sự bùng nổ ở các tỉnh miền Tây nhất là tại Đồng Tháp và đạo pháp cũng không ngoài sự thịnh suy của đất nước. Được tin quê nhà đang có chiến sự, Ni trưởng xin phép Ban Giám Viện cho trở về để góp sức cho quê hương.

Thời kỳ hành đạo

Khi trở về quê nhà, Ni trưởng một mặt khắc phục khó khăn trong đời sống do thời cuộc, một mặt vẫn tham cứu đạo mầu với quý Hòa thượng như: Hòa thượng Vạn An, Bửu Chung, Phước An, Long An… Năm 1941 lúc cuộc chiến gay go, Hòa thượng Kim Huê lãnh ngôi chùa Phước Huệ và đưa Ni chúng trên 30 vị về đây tu học và giao cho Ni trưởng đảm trách, Hòa thượng chỉ làm cố vấn. Thế nhưng, trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt thời ấy, ngôi chùa Phước Huệ cũng cộng nghiệp tang thương với đất nước. Năm 1945, ngôi Tam bảo nơi vùng quê sông nước hiền hòa đã bị quân Nhật thiêu rụi. Chùa cháy, Ni chúng lao đao, lạc lõng. Ni trưởng bấy giờ trong tư thế một người chị bảo bọc đàn em, dắt dìu trên dưới 50 vị ni về tá túc tại chùa Kim Huê trong khi đợi chờ chùa Phước Huệ được tái thiết.

Thời gian này kinh tế chùa Kim Huê ngày càng eo hẹp, cuộc sống hết sức khó khăn, Hòa thượng chỉ chấp thuận cho Ni chúng tá túc trong khoảng thời gian ngắn hạn, đủ để sửa sang sơ bộ chùa Phước Huệ. Thế nhưng, mãn thời hạn ấn định trên, chùa Phước Huệ vẫn chưa được sửa xong. Ngày cuối cùng của kỳ hạn, Hòa thượng gọi Ni chúng đến và nhắc lại thỏa thuận trên. Bấy giờ, Ni trưởng cùng với chư Ni đồng đắp y đảnh lễ xin Hòa thượng cho lưu trú thêm một thời gian ngắn nữa. Hòa thượng chỉ im lặng, chư ni ngỡ Ngài đã bằng lòng nên liền lui ra. Cùng đêm đó, đúng 12 giờ khuya, một cơn mưa như thác đổ trút xuống, Hòa thượng đến gõ cửa phòng của chư ni, “thuyết” một bài pháp như sấm sét về tội thất tín, nói mà không giữ lời, rồi giữa cơn mưa gió tơi bời, Hòa thượng đem tất cả đồ đạc chư Ni quẳng ra đường. Ni trưởng cùng chư Ni, (là quý Ni trưởng Từ Nguyên, Hải Huệ, Bửu Dương v.v…thời đó) ôm y áo ngồi co ro dưới hiên chùa giữa cơn dông gió, chờ đến khi trời tờ mờ sáng mới thuê đò qua sông về chùa Phước Huệ!

Việc làm ấy của Hòa thượng, nếu dưới con mắt của người bình thường có lẽ là thiếu lòng từ bi, nhưng ẩn chứa bên trong là một bài pháp thật sâu xa. Cảnh tượng đêm hôm ấy, có khác nào hình ảnh Di Mẫu cùng năm trăm công nương người đầy bụi đường, đầu trần chân đất, băng rừng lội suối từ thành Ca Tỳ La Vệ đi bộ đến Tỳ Xá Ly khẩn cầu Đức Phật cho xuất gia. Và bị Đức Phật ba phen từ chối! Ôi, con mắt phàm phu làm sao thấu tỏ được thánh ý! Đặc biệt, Ni trưởng và chư ni không hề oán thán Hòa thượng, mà luôn hướng về Ngài với lòng biết ơn. Bởi chính nhờ vậy, mặc cảm Ni lưu khơi dậy, trong một thời gian cấp tốc, Ni trưởng một mặt lo khẩn trương tái thiết chùa Phước Huệ, một mặt chư Ni tự tổ chức đời sống kinh tế, làm tương chao và đi bán. Với tài tháo vát, đảm đang của Ni trưởng, cùng tinh thần đồng tâm hiệp lực cần mẫn của Ni chúng, chỉ trong một thời gian kỷ lục, chùa Phước Huệ không những tu sửa xong mà kinh tế cũng dư ăn dư để, mọi việc trong ngoài ổn định.

Từ năm 1946, Ni trưởng với trình độ Phật pháp, bản chất hài hòa lịch thiệp, đã được chính thức công cử trụ trì chùa Phước Huệ. Từ đây, Ni trưởng một tay lèo lái, bảo bọc và chỉnh đốn sự tu học của Ni chúng, Khi Đại Giới đàn đầu tiên mở tại chùa Kim Huê, Đồng Tháp, Hòa thượng Chánh Quả cử Ni trưởng làm Hòa thượng Đàn Đầu để truyền giới cho Ni chúng với tuổi đời còn trẻ, Ni trưởng không dám nhận lĩnh trọng trách ấy, Người đã lánh sang Châu Đốc bằng đường Bưng giữa đêm khuya. Đến cách chùa Tây An độ 12km về hướng núi Ông Cấm – Tịnh Biên, Ni trưởng gặp hai vợ chồng người Pháp, cảm đức của Ni trưởng, hai vị đã hiến cúng cho Người ngôi nhà mà họ dùng để nghỉ mát cất theo kiểu Pháp, Ni trưởng cho cải gia vi tự, tức là chùa Lư Kim ngày nay. Tuy nhiên, việc lánh đi Châu Đốc không thành, Hòa thượng cho người tìm được và Ni trưởng phải vâng mệnh Thầy trở về Đồng Tháp để truyền giới cho Ni chúng.

Năm 1952, Ni trưởng cùng một số quý Ni sư lên Sài Gòn để cùng với quý Ni trưởng từ miền Nam đến miền Trung bàn định việc thành lập Ni bộ Bắc Tông. Năm 1954, Ni bộ được hình thành trong điều kiện rất khả quan, lấy Huê Lâm làm trụ sở. Sau đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho chư Ni từ miền Trung, miền Tây về Sài Gòn công tác, quý Ni trưởng, Ni sư đồng nhất trí cùng nhau đóng góp để xây dựng trụ sở Ni bộ là chùa Từ Nghiêm hiện nay. Trong những năm này, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thiện Hoa và Hòa thượng Thiện Hòa. Một số chư Ni lớn đang tu học tại chùa Dược Sư tổ chức lớp học đầu tiên tại Ni trường Dược sư đào tạo đội ngũ Ni trẻ. Nhưng do vì giai đoạn này, đời sống xã hội khó khăn, mỗi cá nhân chư Ni đến cầu học đều phải đóng tiền để phụ giúp kinh phí ăn ở cho Ni trường.

Từ năm 1958 đến 1960, Ni trưởng được cử làm Giám viện Ni trường Dược Sư. Ni trưởng dốc hết sức lực, tâm trí vào việc xiển dương Phật pháp làm cho Ni trường Dược Sư ngày càng phát triển, Ni tài được đào tạo ngày càng đông. Sự thành công và dấu ấn đặc sắc nhất của Ni trưởng trong thời kỳ này, là người đi tiên phong trong việc bãi bỏ chế độ thu học phí của Ni chúng. Sau nhiều lần họp và ưu tư, quý Ni trưởng lãnh đạo Ni bộ rất muốn bãi bỏ việc đóng học phí cho Ni trường, nhưng ở vào thời điểm này, việc ấy quả là khó khăn. Trước tình hình đó, Ni trưởng đã mạnh dạn đứng ra bảo lãnh việc chu toàn đời sống cho Ni sinh, học ni vào Ni trường một cách vô điều kiện, không phải đóng góp bất kỳ lệ phí nào. Đây quả là một bước ngoặt lớn trong mô hình đào tạo nội trú thời ấy.

Để đảm bảo chất lượng đời sống cho Ni chúng, Ni trưởng cử Ni sư Phước Quang làm tri sự. Thành công của Ni trưởng trong việc nuôi Ni chúng lúc ấy phải kể đến sự nỗ lực rất lớn của Ni trưởng Như Ngọc – người em út của Ni trưởng đang điều hành chùa Phước Huệ, Sa Đéc; nguồn kinh phí có được từ lò nước tương Phước Huệ do Ni trưởng Như Ngọc và Ni sư Như Kim ngày đêm lo toan cật lực, hầu như không “đầy” lên nổi sau mỗi lần Ni trưởng từ Sài Gòn về Phước Huệ.

Cũng trong giai đoạn này (năm 1959), Ni trưởng lãnh thêm miếu Thiên Hậu (nay là chùa Phước Hậu, tọa lạc tại số 120/16 Trần Hưng Đạo – Quận 1 – TP Hồ Chí Minh) để làm cơ sở cho Ni chúng lên Sài Gòn tu học. Chiến tranh muôn đời vẫn là nỗi đau xé lòng, là sự chia lìa bao mái ấm, khiến bao trẻ con vô tội trở thành mồ côi, không người chăm sóc. Hòa chung trong phong trào an sinh xã hội, thành lập Cô nhi viện, Ký Nhi viện của Giáo Hội Phật giáo thời ấy, Ni trưởng đã Ký Nhi Viện Dược Sư đồng thời làm cố vấn trong hai năm từ 1960 đến 1962.

Giai đoạn từ 1963 – 1975 là giai đoạn khốc liệt của đất nước nói chung và của Giáo hội nói riêng. Thời kỳ Pháp nạn 1963, nhiều Tăng, Ni bị bố ráp, giam cầm trên khắp hai miền Trung – Nam đất nước, có một số vị bị đầy đi Rạch Giá, bị giam cầm ở Chí Hòa… Trong hoạn nạn đó Ni trưởng là bậc hiệt kiệt chung lo chia sẻ cùng Giáo hội. Năm 1966, Phật giáo lâm vào đại nạn, nhiều Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni bị chính quyền Sài Gòn cầm tù. Nhiều cuộc biểu tình đòi quyền sống, tự thiêu đòi tự do tôn giáo, chấm dứt chiến tranh của Tăng Ni, Phật tử diễn ra làm chấn động thế giới. Đau đớn nhất là nội bộ Phật giáo lúc đó đã có những rạn nứt, mâu thuẫn mà đỉnh điểm chính là sự kiện tại Việt Nam Quốc Tự – ngôi chùa vốn là thành quả đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo – đã chìm trong tang tóc.

Vâng lời Giáo hội, Ni trưởng về Việt Nam Quốc Tự đảm nhận chức Trưởng ban Hậu cần, coi sóc việc cơm nước, sinh hoạt đời sống cho Tăng Ni và Phật tử, đây là giai đoạn vô cùng phức tạp vì nhiều quần chúng, Tăng Ni và Phật tử với đủ mọi thành phần tụ tập tại đây. Trong một giai đoạn vô cùng nhạy cảm như thế, với tinh thần quả cảm, xả kỷ vị tha, quên mình vì đạo, Ni trưởng đã chu toàn tuyệt vời đời sống cho tất cả Tăng Ni, Phật tử, thật xứng danh là bậc hành Bồ tát hạnh. Tấm lòng hiền mẫu hy sinh, chịu thương chịu khó của Ni trưởng đã được người người cảm kích và một Phật tử đã dâng lời thơ tặng Ni trưởng:

“Người hỡi bàn tay đầy quán xuyến,
Lo Tăng Ni, Phật tử lúc gian nan,
Cơm rau, cháo sớm thân bao quản,
Chỉ nguyện Tăng Ni được ấm lòng”.

Từ năm 1966 – 1972, cùng với thầy Thiện Nghị, Ni trưởng đã lập Hội Thanh Niên Tăng Ni Việt Nam để hỗ trợ Tăng Ni trẻ, những ai hữu sự bệnh hoạn, tang ma, hội đều lo hết. Suốt từ năm 1968 đến năm 1975, biến cố thiên tai bão lụt xảy ra khắp nơi, nhất là tại các tỉnh miền Trung. Mặt khác, đồng bào ta đang sinh sống tại Campuchia bị chế độ cầm quyền tại đây đàn áp buộc phải hồi hương. Thời điểm này, công tác cứu trợ là trọng tâm của Giáo hội, trong Phật sự này, Ni trưởng là một trong những cán bộ đắc lực nòng cốt, trong tinh thần: “phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật.”.

Năm 1972, trong tinh thần quên mình vì đạo, mặc dù tuổi hạc đã cao, Ni trưởng vẫn hoan hỷ vâng lời Ni bộ về làm Giám Viện Phật học Ni viện Từ Nghiêm trong nhiệm kỳ hai năm. Trong nhiệm kỳ của mình, Ni trưởng không ngại khó nhọc dấn thân vào công tác đào tạo Ni tài cho Giáo hội. Sau năm 1975 nước nhà độc lập, thể theo nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử, Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam năm 1981 đã thống nhất Phật giáo thành một đoàn thể duy nhất với danh xưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Tại Đại hội này, Ni trưởng được suy cử chức vụ Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1982, Ni trưởng là thành viện Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Thành Phố Hồ Chí Minh. Mặc dù gánh vác Phật sự nhiều nơi, nhưng Ni trưởng vẫn chu toàn những Phật sự tại quê nhà Đồng Tháp như: Thành lập Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Đồng Tháp, Xây dựng lò thiêu cho Tăng Ni, Phật tử.
Mặc dù niên cao lạp trưởng, sức khỏe cũng mòn dần theo năm tháng, Ni trưởng vẫn tham gia nhiệt tình các công tác từ thiện như:

– Góp quỹ xây dựng trường Cao cấp Phật học Việt Nam (Cơ sở II) tại TP. HCM (tiền thân Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM)
– Hưởng ứng phong trào mua công trái Chính phủ.
– Hưởng ứng đóng góp cứu trợ bão lụt miền Trung.

Thời kỳ viên tịch

Hơn 80 mươi năm cuộc đời và 60 năm làm Phật sự không mệt mỏi, Ni trưởng đã dâng trọn đời mình cho đạo pháp và quê hương đất nước. Những tháng cuối đời, Ni trưởng tuy thân lâm trọng bệnh nhưng tinh thần vẫn sáng suốt, ý chí kiên cường, nụ cười vẫn luôn nở trên môi, Ni trưởng còn động viên, khích lệ tinh thần cho các bệnh nhân cùng trị bệnh với người ở các bệnh viện An Bình, Chợ Rẫy, … để giúp họ xoa dịu những cơn đau của thể xác. Thời gian này, Ni trưởng về lại chùa Phước Huệ, nơi quê hương Đồng Tháp để tịnh dưỡng. Những ngày cuối cùng, Ni trưởng vẫn giữ vững chánh niệm, tinh tấn niệm Phật, Người còn đọc bài thơ:

“Lai thời hoan hỷ, khứ thời bi,
Bi hữu nhân tình các hữu chi,
Địa nhật tương phùng bi hữu lạc,
Lai thời hoan hỷ, khứ thời bi”.

Ni trưởng về với Phật lúc 8 giờ 40 ngày 28 tháng 9 năm Kỷ Tỵ (ngày 27/10/1989), trụ thế 80 năm, 60 hạ lạp, giữa bao thương tiếc ngậm ngùi của Tăng Ni Phật tử. Một đời Ni trưởng, tuy chữ nghĩa chẳng nhiều, nhưng đức tính nhẫn nại, vị tha, hy sinh cao cả, một lòng vì đạo của Người được toàn thể tứ chúng, đặc biệt là hàng Ni lưu thời ấy vô cùng kính phục. Ni trưởng đã ra đi về miền tịnh cảnh, nhưng hương giới đức và công hạnh của Người vẫn muôn đời tỏa ngát chốn thiền môn, là tấm gương sáng cho bao thế hệ Ni lưu hậu học.

TKN. Như Như

Tin khác

Cùng chuyên mục